TIỂU SỬ JOHANNES BRAHMS (1833 – 1897)

Johannes Brahms (7 tháng 5 năm 1833 tại Hamburg – 3 tháng 4 năm 1897 tại Wien) là một nhà soạn nhạc, chơi đàn piano và chỉ huy dàn nhạc người Đức. Các tác phẩm của ông được xếp vào chủ nghĩa lãng mạn (romanticism).

Là một nghệ sĩ dương cầm điêu luyện, ông thực hiện các buổi diễn ra mắt nhiều tác phẩm của chính mình, ông cũng đã từng làm việc với một số nghệ sĩ hàng đầu vào thời bấy giờ, kể cả với nghệ sĩ dương cầm Clara Schumann và nghệ sĩ vĩ cầm Joseph Joachim. Brahms là một người kiên quyết theo chủ nghĩa cầu toàn, cho nên ông đã tự hủy và không công bố rất nhiều tác phẩm của mình.

Các sáng tác của Brahms bao hàm cả những chất liệu truyền thống lẫn sáng tạo. Âm nhạc của ông có cấu trúc và kỹ thuật bắt nguồn từ các bậc thầy Baroque và nhạc cổ điển. Âm nhạc của Johannes Brahms, với vẻ đẹp hình thức hoàn hảo và sự dung dị sâu sắc của tâm hồn. Ông là người tiếp nối các truyền thống hiện thực cổ điển và “làm giàu” chúng bằng những thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn Đức. Âm nhạc của Johannes Brahms vừa đầy chất triết học trữ tình đặc trưng của Bach vừa mang những hình tượng âm nhạc hoành tráng và bạo liệt theo tinh thần Beethoven, nhưng cũng đậm nỗi lo âu về số phận của con người hiện đại.

Cuộc đời

Niên thiếu

Brahms sinh ngày 7/5/1833 tại thành phố cảng Hamburg, miền bắc nước Đức, là con thứ trong gia đình một nhạc sĩ nghèo, dòng dõi thị dân. Cha của ông là Johann Jakob Brahms (1806–72) di dân từ Dithmarschen đến Hamburg, kiếm sống bằng nghề chơi nhạc, ông có thể chơi nhiều nhạc cụ khác nhau, nhưng chủ yếu là thổi kèn cor, chơi contrabass. Chính Brahms nói về thời thơ ấu của mình: “Chẳng có mấy ai sống khổ như tôi”.

Johann Jakob đã cho con trai mình đi học nhạc lần đầu tiên. Brahms học piano từ 7 tuổi với Otto Friedrich Willibald Cossel. Do đói nghèo của gia đình, cậu bé Brahms phải chơi nhạc ở các sàn nhảy và nhà thổ xung quanh là các thủy thủ say rượu và gái mại dâm thường vuốt ve cậu. Các nhà viết tiểu sử hiện đại đã nhấn mạnh thời kỳ này là nguyên nhân làm cho Brahms không có khả năng ‘để có một mối quan hệ hôn nhân thành công, quan điểm của ông về phụ nữ bị biến dạng bởi những trải nghiệm trong quá khứ của mình’.[1] Gần đây, các học giả nghiên cứu về Brahms là Styra Avins[2] và Kurt Hoffman cho rằng những nhận xét này là sai lầm.

Trong một thời gian, Brahms cũng học thêm cello.[3] Sau khi những bài học piano đầu tiên với Otto Cossel, Brahms tiếp tục học piano với Eduard Marxsen, một người đã từng học ở Wien với Ignaz von Seyfried (một học sinh của Mozart) và Carl Maria von Bocklet (một người bạn thân của Schubert). Chàng trai Brahms đã biểu diễn một vài buổi hòa nhạc công cộng ở Hamburg, nhưng chẳng gây được tiếng tăm gì cho đến khi ông thực hiện một tour diễn ở tuổi 19.

Hội ngộ với Joachim và Liszt

Vào tháng 4 và tháng 5 năm 1853, Brahms rời bỏ Hamburg đi lưu diễn khắp đất nước cùng nghệ sĩ violin – nhà cách mạng người Hungary – Eduard Reményi và qua đó có dịp gặp Franz Liszt, Peter Cornelius, Joachim Raff tại Weimar, và Joseph Joachim tại Hannover. Lúc này Liszt đã sừng sững như một tượng đài âm nhạc thế giới, nhưng chỉ mới vài ngày Brahms đã ngộ ra rằng giữa ông và nhà soạn nhạc vĩ đại người Hungary không thể có “điểm tiếp xúc” nào cả. Khát vọng nghệ thuật của Liszt vì một thứ âm nhạc có chương trình trong đó nội dung và hình thức được xác định bằng hình tượng văn học quá xa lạ với Brahms. Theo nhiều nhân chứng cho cuộc tao ngộ giữa Brahms với Liszt (lúc đó Liszt trình diễn “khúc keczô” (Scherzo), op.4 của Brahms), trong khi Brahms lại không toàn tâm toàn ý để trình bày bản sonata dành cho đàn Piano trên cung Si thứ của Liszt (Brahms đã ngủ thiếp đi khi đang thực hiện buổi diễn), điều này làm cho Reméyi cảm thấy bị xúc phạm và họ chia tay ngay sau đó.

Brahms và Schumann

Joachim đã gửi một thư giới thiệu Brahms cho Robert Schumann, và sau đó Brahms đã bắt tàu đến Düsseldorf. Tại đây, Brahms gặp Robert Schumann và cuộc gặp này tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông. Tuy đang bị bệnh tâm thần hành hạ nhưng nhà soạn nhạc người Đức nổi tiếng Schumann đã phải sửng sốt trước tài năng độc đáo của chàng nhạc sĩ vô danh 20 tuổi, nên vào ngày 28 tháng 10 năm 1853 Schumann đã viết bài báo cuối cùng của mình (sau 10 năm gác bút) với nhan đề Neue Bahnen (Con đường mới) trên tạp chí âm nhạc Neue Zeitschrift für Musik do ông sáng lập. Hai mươi năm trước đó, Schumann là người đầu tiên viết về Chopin và bây giờ ông là người đầu tiên viết về Brahms. Ông gọi Brahms là “Bậc thầy biểu đạt hoàn hảo tâm hồn thời đại”.[4] Bài báo của Schumann đã đưa tên tuổi Brahms đi khắp thế giới.

Trong thời gian ở Düsseldorf, Brahms cùng với Schumann và học trò của ông là Albert Dietrich soạn bản sonata để dành tặng cho nghệ sĩ vĩ cầm Joseph Joachim; bản sonata được biết dưới cái tên F–A–E Sonata (tiếng Đức: Frei aber einsam, tự do nhưng cô độc). Trong thời gian này, Brahms trở nên rất gắn bó với vợ của Schumann là nghệ sĩ dương cầm, đồng thời cũng là nhà soạn nhạc, bà Clara Schumann. Clara lớn hơn Brahms 14 tuổi, nhưng mối quan hệ giữa 2 người vẫn nồng nàn và mối tình này đã theo Brahms đến suốt đời. Brahms không kết hôn với bất cứ ai, mặc dù sau đó ông vẫn có những cảm xúc cháy bỏng với nhiều phụ nữ khác, kể cả việc dự tính tiến đến đính hôn với Agathe von Siebold ở Göttingen vào năm 1859, tuy nhiên tất cả mối quan hệ này đều nhanh chóng tan vỡ. Sau vụ tự tử không thành của Schumann và tiếp 2 năm sau đó ông bị nhốt ở viện điều dưỡng tâm thần gần Bonn (theo yêu cầu của chính Schumann), Brahms trở thành người trung gian giữa Clara và chồng của bà, ông cũng kiêm luôn việc quán xuyến mọi thứ trong nhà.
Sau cái chết của Schumann, Brahms nhanh chóng trở về Düsseldorf, dọn đến sống trong một căn phòng ở nhà Schumann trong suốt 2 năm sau đó, và hi sinh cả sự nghiệp nghệ thuật của mình để phụng sự Clara. Mối quan hệ giữa Brahms và Clara Schumann cùng với “tình yêu vĩnh hằng” của Beethoven có lẽ là những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử âm nhạc.

Detmold và Hamburg

Sau cái chết của Schumann tại viện điều dưỡng vào năm 1856, Brahms lui tới giữa Hamburg để xây dựng và tổ chức một dàn đồng ca nữ, và công quốc Detmold để dạy nhạc và làm nhạc trưởng. Ông là nghệ sĩ solo tại buổi ra mắt Concerto số 1 dành cho piano của mình vào năm 1859.
Năm 1862, Brahms sang sống tại Vienna, khi ấy được coi là thủ đô âm nhạc của thế giới. Năm 1863 ông được bổ nhiệm làm chỉ huy ca đoàn Vienna (tiếng Đức: Vienna Singakademie). Từ 1872-1875, Brahms là giám đốc của hội Gesellschaft der Musikfreunde ở Vienna. Ông từ chối nhận tiến sĩ âm nhạc danh dự của trường Đại học Cambridge năm 1877, nhưng lại chấp nhận lời đề nghị của trường Đại học Breslau năm 1879.

Ở Vienna, Brahms trở thành chủ tướng của những người “chống lại” Liszt và Wagner trong cái gọi là cuộc chiến giữa hai trường phái “Leipzig” và “Weimar”. Thậm chí cả Hans Von Bulow, học trò lỗi lạc của Liszt và là bạn của Wagner, cũng nhảy sang phe Brahms. Bulow gọi Bản giao hưởng số 1 của Brahms (viết năm 1876) là “bản giao hưởng thứ 10 của Beethoven”. Đó là một lời nói hơi thậm xưng, nhưng nó thể hiện quan điểm của giới âm nhạc nửa cuối thế kỷ 19: tên tuổi Brahms được đặt cạnh tên của Beethoven và Bach – thần tượng của ông. Cuối đời Brahms đã nói một câu nổi tiếng: “Có 2 sự kiện lớn nhất đời tôi – đó là sự thống nhất nước Đức và việc xuất bản tuyển tập tác phẩm của Bach”.

10 năm ở Vienna là thời kỳ sáng tạo của Brahms đạt tới đỉnh cao huy hoàng. Trừ opera và âm nhạc theo chương trình, ông đã viết đến 380 tác phẩm thanh nhạc, 3 sonata, 5 biến tấu, 5 ballad, 3 rhapsody … cho piano, 3 sonata cho violin, 2 sonata cho cello và nhiều tác phẩm Tam tấu, Tứ tấu, Ngũ tấu … trong đó có nhiều tuyệt tác như Biến tấu theo chủ đề của Paganini (A-moll), Quintet cho piano (F-moll), Sonata số 3 cho violin, Concerto số 2 cho piano (B-dur) – một “giao hưởng” 4 chương độc đáo có phần solo của piano. Đặc biệt với các tác phẩm giao hưởng, Brahms trở thành một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của lịch sử âm nhạc thế giới thế kỷ 19. Giữa lúc hệ thống tư duy giao hưởng lãng mạn tưng bừng lên ngôi, ông đã đẩy tới sự hoàn chỉnh những nguyên tắc của chủ nghĩa cổ điển trong các thể tài giao hưởng. Đây chính là sự độc đáo và cống hiến lịch sử của Brahms. Thế nhưng, không giống những hậu bối của Mendelssohn máy móc rập khuôn các quy luật cấu trúc và hình thức xưa cũ, Brahms sử dụng các thủ pháp giao hưởng cổ điển một cách sáng tạo để thể hiện một thế giới hình tượng lãng mạn, những tình cảm hiện đại, chất thơ, chất phóng túng của âm nhạc. Đương thời một nhà phê bình đã nói “Brahms cảm nhận bằng đầu và tư duy bằng trái tim”.

Những năm nổi tiếng

Buổi ra mắt bản hợp xướng lớn nhất của ông A German Requiem tại Bremen năm 1868 đã khẳng định danh tiếng của Brahms ở khắp Châu Âu, và khiến nhiều người chấp nhận rằng ông đã chinh phục được Beethoven và các bản giao hưởng. Điều này cho ông thêm tự tin để hoàn tất một số công trình mà ông đã vật lộn trong nhiều năm, chẳng hạn như cantana Rinaldo, tứ tấu dành cho đàn dây đầu tiên, tứ tấu thứ 3 dành cho piano, và bản giao hưởng đầu tiên. Ba bản giao hưởng khác sau đó hoàn tất vào năm 1877, 1883, và 1885.
Bốn bản giao hưởng của Brahms đưa ông đến những đỉnh cao nhất của âm nhạc giao hưởng thời kỳ sau Beethoven. Giao hưởng số 4 (E-moll) kể về các khúc ngoặt bi thương của cuộc sinh tồn đầy kịch tính và tinh thần bất khuất, thuộc số những tác phẩm độc đáo và hoàn mỹ nhất của Brahms. Bản Concerto cho violin (D-dur) là một trong những concerto hay nhất thế giới viết cho violin. Brahms nói: “Sáng tác đẹp như Mozart thì chúng ta chịu, nhưng ít nhất phải cố viết được tinh khiết như ông”. Vấn đề không chỉ liên quan về kỹ thuật mà còn liên quan đến cả vẻ đẹp thẩm mỹ nội dung âm nhạc Mozart. Nhạc của Brahms phức tạp, xung động hơn nhạc của Mozart, như thời đại ông với thời đại của Mozart. Nhưng Brahms theo đuổi tín điều này, vì toàn bộ hoạt động sáng tạo của ông được đặc trưng khát vọng vươn tới những lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp.

Cuối đời

Năm 1890, ở 57 tuổi Brahms đã quyết định ngừng sáng tác. Tuy nhiên, khi những ý nhạc bật ra, ông không thể thực hiện được quyết định của mình, và trong những năm trước khi qua đời ông đã sáng tác thêm một số kiệt tác được ghi nhận. Sự ngưỡng mộ của ông đối với Richard Mühlfeld, một nghệ sĩ clarinet ở dàn nhạc Meiningen, đã gợi ý cho ông sáng tác các tam tấu Clarinet, Op. 114, tứ tấu clarinet, Op. 115 (1891), và bản sonata dành cho clarinet thứ 2, Op. 120 (1894). Ông cũng viết Vier ernste Gesänge, Op. 121 (1896), và Eleven Chorale Preludes dành cho organ, Op. 122 (1896).
Sau khi hoàn thành tác phẩm Op.121, Brahms đã bị bệnh ung thư (theo nhiều nguồn khác nhau thì là ung thư gan hoặc tuyến tụy). Bệnh dần trở nặng và ông qua đời vào ngày 03 tháng 4 năm 1897, thọ 63 tuổi. Brahms được chôn trong Zentralfriedhof (nghĩa trang trung tâm) ở Vienna.

Âm nhạc của Brahms

Những tác phẩm

  • Intermezzo, Op. 116, No. 4
  • Intermezzo, Op. 76, No. 7
  • Wondrous Cool
  • Double Concerto in A minor, 2nd movement
  • Double Concerto in A minor, 3rd movement
  • Cello Sonata in F, Op. 99, 1st movement
  • Cello Sonata in F, Op. 99, 2nd movement
  • Cello Sonata in F, Op. 99, 3rd movement
  • Cello Sonata in F, Op. 99, 4th movement

Brahms đã soạn một số công trình lớn cho dàn nhạc giao hưởng, bao gồm hai bản mộ khúc (serenade), bốn bản giao hưởng (symphony), bản concerto dành cho đàn piano số 2 (số 1 là viết trên cung Rê thứ, số 2 là viết trên cung Si giáng trưởng), một concerto cho đàn violon, một concerto đôi dành cho đàn violin và cello, và 2 concerto overture: Academic Festival Overture và Tragic Overture.

Ein deutsches Requiem, nach Worten der heiligen Schrift, op. 45 (bản cầu siêu bằng tiếng Đức, lời của Thánh kinh) là bản hợp xướng lớn của ông, tuy nhiên lời ca trong đó không phải được lấy trong nghi thức thánh lễ Missa pro defunctis (lễ cầu siêu), mà ông trích từ cuốn kinh thánh tiếng Đức do Martin Luther dịch. Công trình này được viết trong 3 giai đoạn chính của cuộc đời Brahms. Phiên bản đầu tiên của phần 2 được sáng tác vào năm 1854, không lâu sau lần tự tử hụt của Schumann, phần sáng tác này sau đó được Brahms sử dụng để viết concerto đầu tiên của ông dành cho đàn piano. Phần lớn bản Requiem này được ông viết sau cái chết của mẹ ông vào năm 1865. Phần 5 được bổ sung sau khi công bố chính thức vào năm 1868, tác phẩm được xuất bản vào năm 1869.

Thể loại Serenade

Trong âm nhạc, một serenade (hay đôi khi là serenata) với ý nghĩa phổ biến nhất của nó là một tác phẩm âm nhạc hoặc là một buổi biểu diễn âm nhạc để thể hiện sự kính trọng, tôn vinh ai đó. Có ba loại serenade trong lịch sử âm nhạc.

1/ Trong cách dùng cổ nhất, tồn tại ở hình thức không chính thức, một serenade là một tác phẩm được biểu diễn cho một người được yêu chuộng, người bạn hay một người nào đấy được tôn vinh, với thời gian đặc trưng là vào chiều tối và thường ở dưới cửa sổ nhà người đó. Phong tục chơi serenade theo kiểu này bắt đầu từ thời Trung cổ hoặc Phục hưng và từ “serenade” với cách dùng thông thường nhất trong ngôn ngữ hiện hành liên quan đến phong tục này. Âm nhạc được biểu diễn không theo một hình thức đặc biệt nào, ngoại trừ nó được một người hát tự đệm đàn bằng nhạc cụ có thể mang theo được, chẳng hạn như flute hoặc guitar. Những tác phẩm thuộc dạng này cũng xuất hiện ở những thời đại về sau, nhưng thường là trong tình huống có liên quan một cách đặc biệt đến thời trước, chẳng hạn như một aria trong một vở opera (một ví dụ nổi tiếng là trong opera Don Giovanni của Mozart).

2/ Trong thời Baroque, và thường được gọi là một serenata (từ tiếng Ý của serenade – vì hình thức này xuất hiện thường xuyên nhất ở Ý), một serenade là một loại cantatađược biểu diễn ngoài trời, vào chiều tối với những nhóm nhạc khí và giọng hát. Một vài nhà soạn nhạc của loại serenade này là Alessandro Stradella, Alessandro Scarlatti, Johann Joseph Fux, Johann Mattheson và Antonio Caldara. Thường thì có những tác phẩm quy mô lớn được biểu diễn với sự dàn dựng tối thiểu, chen giữa một cantata và một vở opera. Theo một số nhà chú giải, sự khác nhau chủ yếu giữa một cantata và một serenata, vào khoảng năm 1700, là serenata được biểu diễn ngoài trời và vì vậy có thể sử dụng những nhạc cụ tạo âm thanh quá to nếu ở trong một khán phòng nhỏ – ví dụ như trumpet, horn và trống.

3/ Loại serenade quan trọng nhất và thịnh hành nhất trong lịch sử âm nhạc là một tác phẩm viết cho hòa tấu khí nhạc quy mô lớn ở nhiều chương, có liên quan đến divertimento và chủ yếu được soạn ở những thời kì Cổ điển và Lãng mạn, mặc dù một ít hình mẫu tồn tại từ thế kỉ 20. Thông thường thì tính chất của tác phẩm nhẹ nhàng thanh thoát hơn các tác phẩm nhiều chương khác viết cho hòa tấu lớn (ví dụ như giao hưởng), với tính chất du dương quan trọng hơn việc phát triển chủ đề hay sức mạnh kịch tính. Phần lớn các tác phẩm này xuất xứ từ Ý, Đức, Áo và Bohemia. Những ví dụ nổi tiếng nhất của thể loại serenade từ thế kỉ 18 chắc chắn là những serenade của Mozart, là những tác phẩm có hơn 4 chương nhạc và đôi khi lên đến 10 chương. Hòa tấu điển hình nhất cho một serenade là một hòa tấu nhạc cụ hơi cùng với bass và viola: các nhạc công có thể đứng, bởi vì tác phẩm thường biểu diễn ngoài trời. Những serenade thường bắt đầu và kết thúc bằng những chương nhạc mang tính chất hành khúc – vì các nhạc công thường phải diễu hành đến và rời khỏi nơi biểu diễn. Những serenade nổi tiếng của Mozart bao gồm Haffner Serenade (mà về sau ông soạn lại thành Haffner Symphony No. 35) và một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Eine Kleine Nachtmusik, mà chỉ viết cho những nhạc cụ dây một cách không theo thông lệ.

Đến thế kỉ 19, serenade đã chuyển thành tác phẩm hòa nhạc, ít liên quan đến việc biểu diễn ngoài trời trong những dịp lễ lạt tôn vinh, và các nhà soạn nhạc bắt đầu viết những serenade cho hòa tấu khác. Hai serenade của Brahms khá giống những bản giao hưởng nhỏ, trừ việc chúng sử dụng một dạng hòa tấu mà Mozart đã thừa nhận: một dàn nhạc nhỏ không có violin. Dvořák, Tchaikovsky, Josef Suk và những nhà soạn nhạc khác đã viết serenade chỉ cho đàn dây, Hugo Wolf cũng vậy, ông đã viết một tứ tấu đàn dây (Italian Serenade). Những nhà soạn nhạc khác viết serenade theo phong cách Lãng mạn bao gồm Richard Strauss, Max Reger, Edward Elgar và Jean Sibelius.

Một số ví dụ về serenade thế kỉ 20 bao gồm Serenade cho Tenor, Horn và đàn dây của Benjamin Britten, Serenade cho piano của Stravinsky, Serenade cho baritone và bẩy nhạc cụ Op. 24 của Arnold Schoenberg và chương nhạc có tiêu đề “Serenade” trong tứ tấu dây cuối cùng No. 15 (1974) của Shostakovich. Một ví dụ về serenade thế kỉ 21 là Serenade cho đàn dây được Nigel Keay sáng tác vào năm 2002.

Sưu tầm

Leave a Comment

Scroll to Top