CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN TRONG ÂM NHẠC CHÂU ÂU TK XIX

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN TRONG ÂM NHẠC CHÂU ÂU TK XIX

Thế kỷ Ánh sáng (1715-1788) được coi là thời đại thống trị của Chủ nghĩa cổ điển trong âm nhạc. Nhưng vào thế kỷ XIX một trào lưu mới trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc đã xuất hiện:Chủ nghĩa lãng mạn – như một tất yếu của diễn trình lịch sử âm nhạc thế giới. Ở đó ta thấy được hình ảnh những người nghệ sĩ bao giờ cũng cảm thấy mình cô đơn giữa thế giới đầy biến động phức tạp của thời đại. Đó cũng là mâu thuẫn đầy tính bi kịch giữa người anh hùng thời đại với thế giới xung quanh.. Đó là sự sang trang mới của những tầm tư tưởng/những quan điểm sáng tạo nghệ thuật trước những biến đổi lớn lao của thế giới xã hội loài người.

Kể về bối cảnh lịch sử lúc ấy, khi cuộc Cách mạng Tư sản Pháp 1789 thành công với những tư tưởng cao cả về Tự do – Bình đẳng – Bác ái đã tạo dựng niềm tin lớn lao cho cả thế giới. Nhưng ngay sau đó, giai cấp tư sản phản động đã phản bội lại lợi ích của nhân dân, chống lại những thành quả mà nhân dân đã giành lại được. Những thay đổi đó đã làm cho cả châu Âu hoài nghi, thậm chí mất niềm tin vào tương lai tươi sáng của những ý tưởng cao cả. Một không khí lo âu, hoang mang bao trùm trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong giới trí thức và nghệ sĩ. Khi mất niềm tin vào những tư tưởng lớn lao mang tầm thời đại của trí tuệ, con người của thế kỷ XIX dường như muốn tìm đến với những gì nhỏ nhắn, gần gũi, thân quen của thế giới tình cảm. Khi mất niềm tin vào lý trí dường như con người ta lại muốn đặt niềm tin vào tình cảm. Họ cho rằng: Trí tuệ có thể nhầm lẫn, còn con tim thì không bao giờ. Có thể nói chủ nghĩa lãng mạn trong nghệ thuật nói chung hay trong âm nhạc nói riêng liên kết chặt chẽ với văn hóa và chính trị, với hình thức cùng sự nhấn mạnh về trình tự, hệ thống phân cấp, phong cách mới.

Âm nhạc của trường phái âm nhạc lãng mạn có khuynh hướng gần với thơ ca, hội họa, gần với sự tổng hợp của nghệ thuật. Giải phóng khỏi những quy tắc nghiêm ngặt của chủ nghĩa cổ điển, mở rộng tự do trong sáng tác nên âm nhạc của trường phái lãng mạn tăng cường sự biến đổi màu sắc của hoà thanh, pha trộn âm sắc trong phối khí, hình thức và thể loại đa dạng.
Về thể loại, rất phong phú từ các thể loại lớn đến thể loại nhỏ (giao hưởng, nhạc kịch, ca khúc, tiểu phẩm…). Ngay trong giao hưởng cũng rất nhiều dạng: liên khúc giao hưởng, thơ giao hưởng, đặc biệt nửa sau TK XIX xuất hiện nhiều dạng mới như tổ khúc giao hưởng, tổ khúc giao hưởng thơ… Tuy nhiên, khai thác ngóc ngách của nội tâm nên trường phái lãng mạn chú trọng sáng tác những thể loại có hình thức nhỏ như tiểu phẩm.
Trường phái lãng mạn ưa dùng âm nhạc có tiêu đề làm cho sự trần thuật tư duy âm nhạc rõ ràng hơn, người nghe dễ hiểu hơn. Những thể loại âm nhạc điển hình của âm nhạc lãng mạn là giao hưởng có tiêu đề, thơ giao hưởng, ouverture độc lập… mà H. Berlioz, F. Lizst, F. Mendelssohn… là những người sáng tạo
Về hòa thanh, trường phái lãng mạn chú ý sự pha trộn màu sắc nên hay dùng chuyển điệu đột ngột, sử dụng nốt ngoại hoặc hợp âm màu sắc, biến âm; vai trò công năng phụ được đề cao…
Nguyên tắc cấu trúc thể sonate allegro cổ điển vẫn giữ nhưng được các nhạc sĩ lãng mạn sử dụng tự do hơn. Trong cấu trúc của hình thức sonate allegro hay sử dụng nguyên tắc chủ đề đơn nhất. Thủ pháp xây dựng âm hình chủ đạo (leitmotiv) cũng được sử dụng nhiều hơn.
Về hình thức, các nhạc sĩ lãng mạn tạo ra một số hình thức mới mẻ như hình thức giao hưởng một chương còn gọi là thơ giao hưởng (poem symphonie) được sáng tác vào giai đoạn nửa sau thế XIX trong sáng tác của Liszt.
Cấu trúc của thể loại giao hưởng cũng rất đa dạng, không chỉ là 4 chương mà còn có các loại 2 chương, 3 chương hoặc 5 chương và loại một chương là giao hưởng thơ.
Trong lĩnh vực phối dàn nhạc, chủ nghĩa lãng mạn khai thác triệt để khả năng diễn tả của bộ gỗ mang tính trữ tình ấm áp.
Đặc điểm nổi bật của Chủ nghĩa lãng mạn là trữ tình nên tính ca xướng ảnh hưởng mạnh vào trong giai điệu của giao hưởng và sonate.

 

Leave a Comment

Scroll to Top